Kinh tế là một vấn đề quá lớn, quá nhiều lĩnh vực. Nhiều nhà khoa học bỏ cả đời để truy tìm mới tìm ra được chút chút quy luật. Chúng ta đem đạo Phật làm chỗ dựa và quan sát mọi vấn đề của xã hội. Kinh tế là một phần quan trọng chi phối cuộc sống con người. Đây là quan điểm kinh tế dưới góc nhìn Phật pháp.
Trước đây người ta chưa có một môn học về kinh tế hẳn hoi. Người ta chỉ làm ăn theo cảm tính, thói quen, theo sự khôn ngoan, theo kiến thức mà họ có như cha truyền con nối gì đó thôi. Đến thế kỷ 17, Adam Smith người Anh mới nghiên cứu và đặt hẳn nền tảng cho môn kinh tế học. Trong kinh tế có nhiều ngành, nhiều môn như vấn đề sản xuất, tiêu thụ, tiền tệ, tài chính…Chúng ta nhìn hoạt động kinh tế trên quan điểm nhân quả tội phước, thiện ác, đạo đức đã chi phối kinh tế xã hội như thế nào. Đây là một khía cạnh quan trọng để quan sát kinh tế xã hội mà các môn kinh tế học khác không đề cập đến. Các nhà kinh tế học, xã hội học cũng quan sát sự biến động, thăng trầm kinh tế theo những yếu tố khác chứ không bao giờ họ dựa trên yếu tố tội phước của những con người sống trong xã hội đó. Tội phước con người là một yếu tố cực kỳ quan trọng của nền kinh tế đất nước. Ta lấy quan điểm này để quan sát các nước chung quanh mình và cả thế giới. Chúng ta cứ nhìn vào lối sống, lối sinh hoạt của họ để có thể đoán được họ thịnh hay suy. Cái thịnh, suy của họ từ đâu mà ra? Thời gian sắp tới họ sẽ thịnh hay suy như thế nào? Ví dụ: Cuộc khủng hoảng kinh tế các nước làm mọi người hoang mang và cũng ảnh hưởng tới Việt Nam cũng nhiều. Nhưng nếu chúng ta thấy cuộc sống của người Việt Nam nó đậm đà tình nghĩa, nhiều người biết tội phước, biết làm điều thiện thì chúng ta tin rằng tuy Việt Nam có bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khu vực nhưng rồi nó vẫn có những cái kẽ để cho mình lách qua và sống được qua cơn sóng gió bão bùng rồi sẽ đứng dậy được. Còn xã hội nhiều người sống ích kỷ quá, không biết tội phước, không biết làm điều thiện thì khi cơn khủng hoảng ập tới là mình sập luôn. Trong cái khó khăn của xã hội thì những người nào có phước vẫn cứ luồn lách để sống được, ăn thua ở cái phước mình có giữ được hay không thôi.
Yếu tố tội phước rất quan trọng. Những cách làm ăn mà tăng phước lên thì kinh tế đi lên, những cách làm ăn kinh tế mà tổn phước nó sẽ làm kinh tế đi xuống và suy thoái. Kinh tế là mình có cái đem bán lấy tiền và dùng tiền để mua cái mình cần. Quan trọng mình có cái gì để đem bán như tài năng, công sức, uy tín…Mình có cái gì để đem bán cần đòi hỏi nhiều vấn đề phước đức trong đó. Mình cứ nhìn theo khoa học hoặc xã hội thì không bao giờ trả lời được hết các vấn đề trong xã hội này.
Nhìn vào nền kinh tế của một nước thì cái này dựa vào cái kia một cách bấp bênh, không hề có một chỗ dựa ban đầu cố định để mình đặt một nền móng vững chắc. Như nền sản xuất dựa vào công nhân, nguyên vật liệu, dựa vào tài tổ chức của người kinh doanh, dựa vào luật pháp của xã hội đất nước đó, dựa vào tình trạng ổn định của xã hội đó, dựa vào tình hình tài chính mất giá hay không mất giá, dựa vào sự tiêu thụ (người ta có tiền mua hay không, xã hội giàu hay không), dựa vào quảng cáo (người ta có biết đến món hàng của mình hay không, có bị cạnh tranh tơi tả bởi các hãng khác hay không). Để làm một điều, chúng ta thấy có quá nhiều điều cần phải dựa vào, lệ thuộc vào. Người làm kinh tế phải biết hết các yếu tố đó mà không hề có điểm dựa ban đầu. Không bao giờ có điểm dựa ban đầu để lấy đó làm nền tảng, tiêu chuẩn. Ví dụ mình không thể lấy giá trị vàng làm căn bản để trả lương công nhân hay mua sắm vì mình không biết vàng rớt giá lúc nào nữa. Vàng bên nước mình ổn định nhưng vì một lý do nào đó bên Nga, Úc mở kho bán ào ào thì giá vàng bên mình rớt và mọi thứ xáo trộn liền. Ví dụ khác, ngày xưa trong kinh Thánh nói mặt Trời quay quanh Trái đất nhưng sau này các nhà khoa học mới phát hiện Trái đất quay quanh mặt Trời. Nhưng mặt Trời cũng không đứng yên mà lại quay theo dải Ngân hà. Có nhà khoa học đưa ra nhận định sẽ tồn tại một thiên thể ổn định làm chỗ dựa cho tất cả các thiên thể khác dựa vào đó mà lập quỹ đạo di chuyển của mình. Nhưng sau này nhà bác học Albert Einstein phủ nhận điều đó. Ông cho rằng trong vũ trụ không có cái gì cố định hết, tất cả các ngôi sao đều chuyển động, có dựa vào nhau mà không có cái nào là cái gốc. Nền kinh tế của một nước cũng vậy, tất cả các yếu tố đều dựa vào nhau và tất cả đều biến động hết, không cái nào chắc ăn hết. Những nhà khoa học kinh nghiệm khi mở một cửa hàng kinh doanh thì họ tiên đoán được mặt hàng này sẽ bán được mấy năm thì dừng. Đó là họ sáng suốt biết được cái tính chất vô thường của cuộc đời. Điều mà ngày hôm nay con người hâm mộ thì ngày mai sập tan tành ”Nếu mình rời bỏ yếu tố tội phước của cuộc đời thì không còn yếu tố nào chắc ăn hết” Có người nói tôi dựa vào bản thân là chính dù bên ngoài có nhiều biến động vì tôi có khả năng, ý chí phấn đấu, sự nỗ lực không ngừng. Tôi lấy tôi làm chỗ dựa chính để làm ăn kinh tế có được chăng? Mới nghe tưởng hay nhưng xét kỹ thì thấy có nhiều vấn đề. Tuy ông có ý chí, thiện chí thật, có chỗ dựa vào tài năng thật nhưng nhiều khi ra đường đụng xe gãy mất chân. Cuộc đời có nhiều cái bấp bênh, không biết đâu mà dựa được. Những chương trình người đó đang rèn luyện, học tập nhiều khi gãy ngang vì lý do bất ngờ. Vậy nên quan sát kinh tế của một xã hội thì không có cái gì là ổn định hết. Cái gì cũng không ổn định thì ta lấy cái gì làm chỗ dựa để làm niềm tin và để làm ăn trong cuộc sống này? Đó chính là nhân quả tội phước. Cái may mắn, rủi ro trong cuộc sống là một yếu tố của nhân quả. Trong cuộc sống này, yếu tố may rủi ảnh hưởng tới thành công con người cũng như kinh tế rất lớn.
Ví dụ: Người bước ra làm ăn thế chấp nhà cửa thì trên nguyên tắc bù trừ của luật nhân quả, cái nhà sẽ mất luôn vì họ cùng lúc hưởng gấp 2 phước mình có. Nhưng có người cầm nhà làm ăn mà đúng thời cơ vẫn phát. Cái may mắn, rủi ro trong cuộc sống không biết đâu mà lường được nhưng quyết định cuộc sống của con người.
Ví dụ: Ông bảo vệ hôm đó được ai tặng ly cà phê làm ông không ngủ được. Tình cờ ông phát hiện ra vụ trộm và ông được đề bạt tổ trưởng đội bảo vệ. Nhưng nếu ông để vụ trộm xảy ra thì ông sẽ bị nghỉ việc. Cái may mắn, rủi ro ở đâu mang tới? Đó chính là do tội phước đã làm. Mình may mắn là người Phật tử nên biết Nhân quả tội phước. Nếu mình không là Phật tử thì dù đi học tới tiến sĩ kinh tế rồi ra kinh doanh một thời gian và cuối cùng sẽ thua. Có trường hợp một công ty mời ông tiến sĩ kinh tế đến điều hành một công ty thì công ty đó phá sản luôn. Vì những may mắn, rủi ro không ai học được hết. Còn các yếu tố kinh tế thì luôn biến động. Nhiều sinh viên kinh tế học xong có tâm lý không biết làm gì nữa. Họ học đã đời các yếu tố chi phối nền kinh tế quốc dân hết rồi, nhưng không biết mình cần bắt đầu từ đâu để xây dựng kinh tế nữa. Như vậy cơ bản đã hiểu được kinh tế đất nước và thế giới. Giờ cần bắt đầu đi làm phước mới đúng.
Không có cái gì thành tựu tốt đẹp mà không có cái phước chi phối ở trong đó. Mình vẫn vui mà sống được dù xã hội nhiễu nhương, xáo trộn đủ thứ chuyện trong đó là do tin vững chắc được luật nhân quả. Dù có những lúc cuộc đời mình đau khổ, khổ sở, khốn khó, có lúc phải đi mượn gạo mà ăn. Nhưng một khi mình thấm được lời Phật dạy tập yêu thương con người mỗi đêm thì dù mình đang khó khăn mà vẫn thương được con người và làm phước từng chút từng chút là khởi điểm để làm kinh tế của mỗi người. Suy luận ra toàn xã hội cũng vậy. Người làm kinh tế bằng những việc làm phước trước thì xã hội sẽ vượt bậc tiến lên. Những quốc gia giàu mạnh trên thế giới thì tổ tiên của họ đều có làm phước trước đó. Khi phát triển rồi có còn làm phước nữa hay không thì sẽ ảnh hưởng tới sự thịnh suy sau này.
Cái cách làm ăn kinh tế của họ tăng hay tổn phước cũng là điều cần quan sát. Nó tăng phước thì kinh tế xã hội tiến mà tổn phước thì suy. Kinh tế của toàn xã hội là cái phước tổng hợp của từng con người trong xã hội đó là nghiệp chung của tất cả con người làm thành nền kinh tế của đất nước đó. Ta đừng suy nghĩ rằng chỉ cần tài năng của một ai đó mà xoay chuyển được nền kinh tế của cả một nước. Ví dụ: Bên Nga rơi vào khủng hoảng kinh tế, Tổng thống cứ thay đổi thủ tướng liên tục mà kinh tế vẫn không hề xoay chuyển. Vì phước toàn xã hội Nga là như vậy. Chừng nào con người xã hội đó biết tin nhân quả, biết hy sinh hơn, không chạy theo vật chất, không ích kỷ nữa thì mới xoay chuyển được nền kinh tế. Những người xuất sắc lắm mới được lựa làm Thủ tướng nhưng cũng đành bó tay. Vì họ không lấy giáo dục tội phước, đạo đức con người làm căn bản. Một hay Hai cái đầu giỏi cũng không thể làm cái gì cho toàn xã hội được hết mà cần phải thay đổi cái đầu của toàn xã hội đó luôn. Từng con người biết làm phước, biết hy sinh, biết nhường nhịn mới là tiền đề tạo sức mạnh cho toàn xã hội.
Con người có phước hay không có phước ăn thua ở thái độ của họ khi làm việc. Trong công việc khi đang đi làm hoặc khi làm kinh tế mà cái thái độ của họ như thế nào thì nó sẽ thành phước hay tội của cá nhân đó. Thái độ như thế nào là tội? Nếu người nhân viên chỉ làm vì đồng lương, người chủ làm vì lợi nhuận thì thái độ này là có tội. Mình tin rằng người nhân viên hưởng hết cái phước của họ, người chủ hưởng hết cái giàu sang của ông ta thì tất cả sụp đổ toàn bộ. Đó là do cái động lực, thái độ đi làm chỉ nghĩ tới mình. Hiện nay người ta đang bị thái độ đó khá nhiều. Lớp trẻ chưa biết đạo thì chỉ đặt vấn đề làm ở đâu mà lương nhiều thôi. Đang làm chỗ này mà nghe bên kia lương cao hơn cũng với trình độ của mình là bỏ luôn. Tức là họ không tình, không nghĩa, không ích lợi cho ai hết. Với họ làm được việc, chủ đồng ý và chấp nhận mức lương nào đó là động lực chính. Cái thái độ, động lực đó chuẩn bị cho xã hội đi xuống hết. Vì thái độ đó làm cho cá nhân họ mất phước và xã hội nhiều con người như thế thì toàn xã hội đi xuống. Thái độ này gặp nhiều ở các nước phương Tây như Mỹ. Trong nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, những người nhiều bằng cấp, năng nổ, năng động cũng đang suy nghĩ như vậy. Họ chỉ nghĩ tới làm chỗ nào lương cao mà không hề nghĩ tới làm chỗ nào để có cơ hội phục vụ nhiều cho con người hơn. Người chủ cũng vậy, mở ra kinh doanh chỉ muốn thu lợi cho nhiều, toàn là động cơ của sự ích kỷ. Họ cứ hưởng cho hết phước rồi sẽ sụp đổ. Ông chủ chỉ nghĩ tới lợi nhuận nên thường nghĩ tới bóc lột công nhân. Việc bóc lột công nhân từ thời Các-Mác chính là xuất phát từ tâm ích kỷ, chỉ nghĩ tới lợi nhuận của ông chủ. Người công nhân vì thiếu phước nên mới đi làm thuê cho người ta nhưng do sự đối đãi bất công mới bùng phát mà không nghĩ tới mình cần chịu đựng, ráng phục vụ để làm cái gì đó hơn so với cái mình được hưởng. Ta cần cái thiện chí của con người một chút nhưng ta khó tìm thấy điều đó trong cuộc đời này lắm. Và xã hội cứ mãi mãi bấp bênh vì cái ích kỷ của con người, kinh tế cũng vì thế mà mãi thăng trầm khi lên khi xuống. Khi con người ta có phước cứ hưởng ào ào, khi hết phước kinh tế suy thoái lập tức. Nếu người nhân viên biết phục vụ nhiều hơn là hưởng và ông chủ nghĩ tới người khác nhiều hơn là lợi nhuận thì nền kinh tế sẽ ổn định dần dần.
Nền kinh tế của cá nhân hay của cả một tập thể, một đất nước chỉ phát triển khi khởi đầu bằng cái tâm làm việc không vụ lợi, không lương, thiện nguyện. Nghe làm việc không lương hơi kỳ nhưng bất cứ ai muốn làm việc phước, muốn thành công lớn đều phải khởi đầu bằng cái làm việc không lương. Nhưng không ai thoát ra được điều này trừ những người có phước sẵn. Ta đi tìm lại lịch sử của những vĩ nhân trên thế giới cũng vậy. Ngày mà họ thành công thì nhiều người biết, tìm tới ủng hộ họ thì dễ. Nhưng lúc ban đầu thì họ cô đơn, cô độc làm việc tốt một mình mà không ai biết và lúc đó họ ngèo khổ vô cùng. Chính cái lúc nghèo khổ không có một đồng nào mà ráng làm thì đó là nhân của sự vang dội tiếng tăm sau này, nhiều người mới tới hợp tác ủng hộ. Tất cả các vĩ nhân đều như vậy. Như 2 vợ chồng nhà bác học Marie Curie nghiên cứu khoa học rất tốn kém. Họ nghèo và cứ bán dần đồ đạc chứ có ai đến hỗ trợ đâu. Ban đầu đâu có ai tin là mình có tài và đến đầu tư. Những nhà khoa học nổi tiếng ban đầu cũng sống trong nghèo khổ mà không ai biết. Những thiên tài âm nhạc cũng vậy. Buối đầu họ sống rất khổ sở cứ vừa học nhạc vừa kiếm sống từng xu từng đồng. Họ sống trong âm thầm lặng lẽ. Khởi đầu của người ta thường như vậy. Những vĩ nhân, những nhà lãnh tụ kiệt xuất cũng vậy. Họ bắt đầu công việc bằng cái khát khao, yêu thương, thiện chí. Không ai trả lương cho họ hết. Tự họ bỏ tiền, bỏ công, bỏ sức đi tìm chân lý từ buổi đầu. Đến khi họ trở thành lãnh tụ thì bao nhiêu người đến quy tụ và ủng hộ. Nhưng buổi đầu gian khó thì không ai biết hết. Đó là quy luật bắt buộc phải đi qua của tất cả mọi người. Ví như nghề giáo mà buổi đầu cứ tìm cách đi dạy để có lương nhiều phục vụ cho cuộc sống thì tư cách nhà giáo bị mất, kinh tế đất nước cũng không phát triển. Nếu ông giáo chấp nhận nghèo, học sinh không biết đến hỏi vẫn nhiệt tình giúp đỡ và tổ chức dạy phụ đạo không lấy tiền. Nghèo mà cứ làm gan anh hùng thì sẽ từ từ khá lên. Hoặc như ông bác sĩ thất nghiệp mà cứ lang thang xách túi đi chữa bệnh cho người ta mà không lấy tiền. Cứ vô vụ lợi và thiện chí như vậy thì từ từ bản thân người đó sẽ khá lên. Không ai khởi đầu mà có thành công liền, trừ những người giàu và có phước sẵn. Nhưng nếu họ không hiểu được cái thiện nguyện thì về lâu về dài cũng kết thúc không có hậu. Nên bậc cha mẹ mà trong cách dạy dỗ con cái cứ chọn ngành mà mình có nhiều quen biết, chọn chỗ lương cao cho con thuận lợi ban đầu là một cái lầm. Cần tạo cho con ban đầu làm phước, vô vụ lợi một thời gian để rèn luyện tính cách của nó. Trong cái nghèo khó mà nó không thích phục vụ thì cuộc đời nó không có nghĩa và kết thúc không có hậu. Nhiều người tướng tốt, giàu sang nhưng ánh mắt họ nói lên nội tâm không tốt và kết thúc không có hậu về sau.
Nội tâm vẫn rất quan trọng. Mình giàu nghèo buổi đầu không quan trọng. Cái tâm tốt sẽ đưa đến cái kết thúc có hậu về sau. Bậc cha mẹ cần dạy cho con cái biết vui vẻ làm thiện buổi đầu trong nghề nghiệp thì sau này nó sẽ không đòi hỏi tăng lương, không đòi giá cao. Đòi giá cao quá là hết phước từ từ. Người ca sĩ đòi cát – xê cao là giọng hát từ từ không hay nữa… Xã hội phát triển là nhờ nhiều người không vụ lợi, làm việc không lương. Chúng ta sẽ thấy 5 – 10 năm sau xã hội sẽ phát triển nhờ những tâm pháp như vậy. Phụ nữ không làm được nhiều việc nặng thì cần tổ chức đi thăm các cụ già neo đơn trong xóm làm cho phước mình tăng lên và đóng góp vào phước chung của xã hội. Học sinh thì nên đi vận động bảo vệ môi trường vào cuối tuần.Sinh viên nên đi làm những việc của xã hội vào các dịp cuối tuần. Người hay thích bao đồng chuyện của xã hội thì được cái nhân quả vừa nhìn thấy khuyết điểm gì của bản thân hay xã hội thì luôn nghĩ làm sao cho những người khác đừng bị như vậy nữa. Đó là cái phước. Ví như đi trên đường thấy cục đá là họ dừng xe lại bỏ viên đá đi. Tất cả là vì lợi hại của người mà động tâm, mà làm mới tạo nên những điều độc đáo. Sinh viên ra trường thất nghiệp gắng làm mọi thứ như quảng cáo, đăng báo, chụp hình tuyển dụng, thắt cà vạt mà vẫn không có ai thuê. Vì mình có phước đâu mà người ta thuê. Nhưng nếu một thời gian dài mình đi làm không lương, đi làm việc thiện thì bắt đầu có phước. Tự nhiên buối nào đó có người sẽ cho mình công việc để làm. Khi có công việc nhưng vẫn nghĩ rằng để mình phục vụ xã hội chứ không phải lấy lương thì công việc mới bền. Cả đất nước ai cũng có tư tưởng như vậy thì xã hội tiến vô cùng. Cùng là hai người làm công ăn lương nhưng người làm việc vì xã hội sẽ tận tình, năng suất hơn, hiệu quả hơn. Như vậy nền kinh tế của một quốc gia lại nằm trong tâm của mỗi người. Làm sao để cho họ biết điều đó? Chỉ khi họ tin được luật Nhân Quả. Người ta tin được cái công lao khó nhọc, lòng tốt của người ta sẽ có phần thưởng đền bù thì họ mới làm. Nếu họ không tin được nhân quả mà cứ kêu anh ráng cống hiến làm tốt vì xã hội rồi anh sẽ được tuyên dương, khen thưởng thì với họ cái bằng khen đem nấu không có ngọt nồi canh, đa phần ít ai làm. Nhưng nếu họ tin được có một luật nhân quả chi phối tất cả thì họ sẽ sống tốt và lo cho mọi người. Và họ biết điều đó sẽ không mất. Người Phật tử thuần thành làm phước và không cầu phước luôn. Làm phước mà cầu phước thì sau này sẽ hưởng phước và chịu quả báo thê thảm. Người làm phước cầu phước thì 5 hoặc 7 kiếp sau mới có quả báo nặng. Người thích đi làm chỗ nhàn mà lương cao là hết sức sai lầm, người đó không hiểu Phật pháp. Hưởng nhiều hơn làm thì đến một lúc nào đó phước sẽ hết. Mình biết làm nhiều hơn hưởng thì mình sẽ chấp nhận công việc nào đó cực nhọc hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Nếu nhân duyên và phước đời trước đưa mình đến chỗ làm nhàn mà lương cao thì cần kiếm thêm chuyện gì để giúp người. Phước đưa đẩy khiến mình làm rất ít mà hưởng rất nhiều là mình đang trong tình trạng nguy hiểm chứ không phải là vinh quang. Cần làm nhiều hơn công việc mình được giao và lấy nhân vị tha đó làm niềm vui. Mỗi người ích kỷ chút là xã hội sập liền. Mỗi người có tâm vị tha, làm thêm một chút, làm lợi thêm cho đời một chút thì kinh tế toàn xã hội đi lên luôn. Phước tạo nên tài năng và cơ hội cho mỗi người. Có người có tham vọng làm giàu nhưng khi biết Phật pháp mất tiêu tham vọng đó. Họ chỉ còn thấy cần làm phước. Tự nhiên họ bình an trong cuộc sống, không cần vất vả làm giàu. Cơ hội tự nhiên đến, mình tự khôn ngoan ra.
Sự giàu nghèo của mỗi con người, xã hội là không bình đẳng vì cái phước đời trước. Nhìn đồng lương một người là biết. Có người cùng một ngày lao động bằng 30 chục lần của người khác. Người lao động thủ công thì đồng lương hàng ngày thấp. Người lao động trí óc thì có lương cao. Lao động đạo đức thì không được đánh giá, tính công ví như thầy chùa. Nhiều khi chấp nhận ngày đó đi không được đồng nào nhưng các thầy vẫn phải đi. Dù gặp đông người hay ít người thì các thầy vẫn phải giảng nhiệt tình. Đạo đức là không được tính giá, ai cho thì cho, vô vụ lợi. Xã hội cứ bị phân hóa giàu nghèo do đồng lương khác nhau. Tài sản của thế giới chỉ tập trung vào vài người trong đó có Bill Gates. Làm sao để san bằng hố giàu nghèo xã hội? Gốc là cái phước của mỗi người. Cần tăng cái phước của người nghèo. Người nghèo thì tâm họ thường không tốt. Gốc không nằm ở cơ chế quyền lực mà ở giáo dục nhân quả. Ngoài ra không còn cách nào khác. Chết chỉ mang theo cái phước, tội được đi thôi. Nên mình mà giàu cũng cố gắng làm phước, san sẻ cho đời. Công đức có hai cấp độ, một là giúp đỡ vật chất, hai là giúp đỡ tăng trưởng về đạo đức, đạo tâm.
Ta sẽ bàn về vấn đề sản xuất và tiêu thụ trong kinh tế. Đây là một khái niệm lớn của kinh tế. Sản xuất ra nhiều mà không ai tiêu thụ thì nền kinh tế khủng hoảng và ngược lại. Mình muốn đứng được ở xã hội này thì mình phải sản xuất cái gì đó. Nhưng cái mình sản xuất ra phải có người tiêu thụ. Vậy nên người tiêu thụ được ca ngợi là thượng đế. Một xã hội sản xuất mạnh, tiêu thụ mạnh thì có cái nguy hiểm là phải khai thác tài nguyên thiên nhiên thật nhiều, dẫn tới tổn hại sinh thái toàn cầu và đe dọa cuộc sống toàn nhân loại. Ví như người sản xuất, tiêu thụ gỗ nhiều chừng nào thì rừng mất dần. Cái sản xuất và tiêu thụ mạnh chừng nào thì môi trường thiên nhiên bị phá hoại chừng đó. Chúng ta đi làm kinh tế để kiếm cuộc sống nhưng cái kiếm cuộc sống đó cũng đang là tiêu diệt sự sống. Đây là mâu thuẫn của cuộc sống. Giữa hai mâu thuẫn này cần giải quyết như thế nào? Cần một quan điểm mới, cần một triết học mới cho toàn nhân loại.
Cần xây dựng lại quan điểm về kinh tế và hạnh phúc. Xưa nay ta vẫn lầm giàu là hạnh phúc. Cả xã hội, thế giới đi vào cơn lốc đó. Cả xã hội cứ phải đi tìm sự giàu mạnh vật chất, tìm kỹ thuật cao. Ta cần xác định lại đi tìm sự giàu mạnh, kỹ thuật cao hay đi tìm hạnh phúc. Mặc dù giàu cũng là một yếu tố của hạnh phúc chứ không phải toàn bộ hạnh phúc. Có những lúc ta chọn một yếu tố mà phủ nhận toàn bộ như chuyện người mù rờ voi. Hạnh phúc là có vật chất chút, con người sống yêu thương nhau, nói chuyện với nhau ngọt ngào, mình không bị chê, con cái ngoan ngoãn thành tài…Nhưng nếu mình chấp một cái thì toàn bộ những cái khác mất luôn. Mình chọn làm giàu là hạnh phúc, chỉ lo làm giàu, lo kiếm tiền thì không còn tình thương yêu con người. Hạnh phúc là rất nhiều yếu tố, không được dồn tất cả sức lực vào một khía cạnh. Vậy nên ta sẽ xác định sống trên đời là đi tìm hạnh phúc chứ không phải làm giàu. Cả xã hội, nhân loại cần xác định như vậy. Lúc đó người ta không vội vã đi tìm kỹ thuật cao, không vội vã làm giàu mà phải nâng cao đạo đức, nâng cao nghệ thuật, nhân cách. Xã hôi như vậy sẽ không giàu lắm, không đòi hỏi sản xuất tiêu thụ gay gắt lắm mà mình sống vẫn hạnh phúc. Không dễ gì kêu gọi toàn thế giới sống theo hạnh phúc mà không chạy theo làm giàu.
Ta bàn về một số loại hình kinh doanh băng hoại đạo đức. Các ngành kinh doanh giải trí, vui chơi gần với sự sa đọa. Ví như Thái Lan nổi tiếng với các khu ăn chơi sa đọa tuy có đóng thuế đầy đủ. Lối kinh doanh sa đọa làm Thái Lan khủng hoảng liền. Các nhà nước không đứng trên Nhân quả nên không nhìn thấy chính những loại hình này phá tan cả nền kinh tế đất nước. Loại hình kinh doanh ăn nhậu chứa nhiều tội lỗi bên trong như tiêu thụ rượu nhiều, sát sanh quá nhiều. Loại hình này không phải phục vụ nhu cầu cần thiết cho cơ thể mà chỉ phục vụ nhu cầu tham ăn của con người thôi. Các cửa hàng vẫn giàu, vẫn đóng thuế đầy đủ nhưng nó vẫn là hang ổ của sự tàn phá xã hội và sụp đổ của con người. Tuy có lợi ngắn mà hại lâu dài về sau. Loại hình kinh doanh vũ trường cũng kèm theo nhiều tệ nạn bên trong. Những casino bài bạc mọc lên cũng phá hoại nền kinh tế đất nước. Các sân gôn thực sự không phải là nhu cầu cần thiết của con người. Người ta đổ tiền vào đó không suy nghĩ, tốn diện tích rừng và gây sự đổ vỡ của nhân loại. Môn bóng đá là một sai lầm của nhân loại. Cái cuồng nhiệt, mê bóng đá là sai lầm của con người thời nay. Những mặt hàng, loại hình kinh doanh không đáp ứng nhu cầu cần thiết, không làm đạo đức con người tăng thêm, phá vỡ hoặc làm suy đồi đạo đức tuy trước mắt có thể thu hút được nhiều người nhưng chính đó là những hang ổ phá vỡ nền kinh tế. Đây là nói theo nhân quả, không chứng minh. Giờ ta chứng minh. Rất nhiều người có tiền có bạc, có chức đem tiền nướng vào các trò vui sa đọa. Họ đi ăn đi nhậu và tha hóa nhân cách. Họ biến chất và góp phần phá tan kinh tế nước nhà. Nhiều nơi phải nhậu mới hợp tác làm ăn cũng là một tệ nạn.
Tình trạng thất nghiệp có nhiều nguyên nhân. Nhưng cơ bản là sản phẩm không tiêu thụ được và dẫn tới họ sa thải bớt công nhân. Vì sao sản phẩm không tiêu thụ được? Vì giá cao mà kỹ thuật không tinh xảo. Cần sản phẩm kỹ thuật tốt, giá thành rẻ. Muốn sản phẩm kỹ thuật cao mà giá thành rẻ thì họ phải có những con người tâm huyết vô vụ lợi, chịu thiệt thòi đừng đòi hỏi, phải trả lương công nhân, ông chủ đừng lấy lời nhiều. Ba điều này là khó làm và cần sự hy sinh của mỗi người trước. Mơ ước có ngày con người ta làm hết sức mình và không bao giờ đòi thù lao trở lại. Thực tế, họ không bao giờ đói và thiếu. Nhưng không ai dám liều như vậy. Nếu xã hội toàn những người như vậy thì thế giới này sẽ là thiên đường.
Ai cũng có tâm đòi hỏi thì sản phẩm sẽ không cạnh tranh được. Có những trường hợp mà ta nhìn thấy có sự phồn vinh giả tạo do vay mượn vốn nước ngoài để vội vàng phô trương hình thức mà người ta đã phê bình như Thái Lan, Brazin đem lại tiện nghi cho con người mà họ chưa đủ phước để hưởng nên có lúc họ phải khốn khổ trở lại. Chính giai đoạn họ chịu khốn khổ trở lại là lúc xã hội nhiều thất nghiệp. Tình trạng mua nhà trả góp đến lúc thất nghiệp bị đòi nhà thành vô gia cư rất nhiều ở các nước phương Tây. Thất nghiệp là do sự phồn vinh giả tạo của xã hội, do mỗi người không hy sinh, không làm phước. Có những hãng mà cả chủ và thợ đều thiếu phước nên sản phẩm của họ không tiêu thụ được. Có thể do họ đã chủ quan tuyên bố, kiêu mạn gì trước đó. Có những người nông dân bị lũ lụt cũng trở thành thất nghiệp. Vậy nên cái sinh kế, cái thu nhập, cái kinh tế của một người là một cái gì đó mơ hồ không chắc chắn được. Vậy nên sống trên đời không nên chủ quan, quả quyết, chắc ăn thành công mà cần dè dặt mọi điều. Chủ quan tuyên bố, kiêu kỳ khi bắt đầu làm một cái gì đó cũng là nhân của sự thất bại.
Con người vốn ích kỷ. Nền kinh tế thị trường đặt trên nền căn bản đó. Nền kinh tế thị trường cho rằng con người vốn ích kỷ nên người ta xây dựng cơ chế kinh tế để con người trong khi đi tìm cái lợi cho mình sẽ tạo thành cái lợi cho toàn xã hội. Khi đi làm ăn thì nhà nước tạo tự do cho họ làm ăn nhưng mà kiểm soát đóng thuế rất chặt chẽ. Quan điểm kinh tế này còn nhiều cái lợi khác như thúc đẩy sự tiến bộ, tạo nên sự cạnh tranh làm giảm giá thành tạo sự có lợi cho người tiêu thụ. Vì cái ích kỷ mà vô tình người ta làm nên những cái lợi chung đó cho xã hội. Đó là quan điểm của những nhà kinh tế học Tây phương và những người chủ trương kinh tế thị trường tự do. Tuy nhiên người ta cũng có những luật lệ đặt ra để kiềm chế bớt không cho con người vì cái ích kỷ mà gây hại lẫn nhau. Ví dụ: Các công ty cùng một món hàng mà liên kết lại trở thành độc quyền, gây nguy hại cho người tiêu thụ. Lý luận nói vì cái ích kỷ mà có lợi nhưng cũng vì cái ích kỷ đó mà kinh tế thị trường bấp bênh, đầy biến động. Người ta xoay sở đủ mọi cách để kiếm sống và làm cái gì cũng chỉ nghĩ tới cái lợi của mình thôi. Người ta mới bắt đầu làm kinh tế mà đã tạo nghiệp từ trong ý nghĩ rồi. Vậy nên nền kinh tế thị trường tự do tuy hoạt động mạnh (vì cái lợi cho mình mà ai cũng lao đầu vào làm), tuy năng động dễ sợ lắm nhưng kỳ thực người ta tạo nghiệp dữ dội lắm. Ai cũng mang trong đầu sự ích kỷ và cố gắng tạo nghiệp. Tìm lợi cho mình mà không nghĩ tới lợi xã hội tức là đang tạo nghiệp. Đây là nguy hiểm tiềm tàng mà nền kinh tế thị trường khi thịnh khi suy. Đến nỗi các nhà kinh tế học không nhận ra điều đó và cho rằng suy thoái là một chu kỳ bắt buộc của một nền kinh tế. Họ cho rằng quy luật kinh tế thịnh đến một lúc nào đó sẽ suy. Sự thực không phải thế. Nó nằm ở nơi cái tâm, cái nghiệp của con người. Họ làm kinh tế vì có lợi cho mình nên có lúc kinh tế phải suy thoái. Còn nếu một xã hội mà kinh tế đang đi lên, đạo đức người dân cũng đi lên, họ đem tiền viện trợ các nơi, họ làm nhiều việc công ích thì chúng ta thấy sau đó họ không có suy thoái kinh tế. Nhà nước đó vẫn đứng vững. Nhiều quốc gia không xảy ra suy thoái kinh tế như dự đoán vì trước đó những nhà lãnh đạo đã làm được rất nhiều việc phước.
Nơi cõi ích kỷ, tham lam này mà mình sống không ích kỷ, không tham lam thì mình sẽ sinh về một nơi toàn Thánh ở với Thánh. Mình làm bất kỳ nghề gì với cái tâm phụng sự, cống hiến mà không để ý tới đồng tiền thì khi mất sẽ về một nơi chỉ có người sống yêu thương con người mà thôi. Sống cõi này mình phải có tư cách của Thánh mới về cõi Thánh được. Nhân quả rất công bằng chứ không đơn giản mà về được cõi Thánh. Phải hy sinh tối đa cho mọi người thì kiếp này ta không thiếu thốn mà sau về được cõi tốt.
Ta nói về vấn đề thuế trong kinh tế. Việc người dân đóng thuế là lo cho đất nước. Rất nhiều hoạt động của đất nước như quốc phòng, điện, đường, trường, trạm cần thuế người dân. Có người đóng thuế mà tâm không tỳ hỷ thì vẫn có quả báo không tốt sau này. Đóng thuế cũng là cái làm phước rồi. Nếu lãnh đạo sử dụng tiền thuế hợp lý thì người dân cũng có phước. Người lãnh đạo sử dụng sai tiền thuế thì nhà nước tổn phước nặng và người dân không có phước nhiều. Người sử dụng tiền thuế đúng thì kiếp sau còn làm lớn được nữa. Nhà nước lấy tiền thuế viện trợ cho nước khác thì cả nước có phước. Cả nước có phước hay thiếu phước liên quan đến vấn đề sử dụng tiền thuế đúng hay sai. Nhà nước đánh thuế quá nặng là hy sinh hiện tại lo cho tương lai, tức là hy sinh thế hệ hiện tại. Đóng thuế nhẹ là tạm thời có lợi nhưng không đầu tư được cho tương lai, không xây dựng được đường xá, trường học, bệnh viện…Đây cũng là mâu thuẫn. Vậy nên Phật tử đừng tiêu thụ hàng lậu thuế. Người hải quan và người ham rẻ cũng tạo nên sự thất nghiệp xã hội. Vậy nên mua đồ có thuế cũng là giúp cho đất nước.
Kinh tế được xây dựng trên các nền tảng căn bản của con người là ăn, mặc, ở. Từ ba nhu cầu này tạo thành vài trăm nghề nghiệp xã hội. Khi xã hội tiến bộ thì các nhu cầu này được giải quyết hết. Sau đó người ta mới đi tìm các nhu cầu khác cao hơn như đi chùa, ca nhạc, giả trí…Có trường hợp nhu cầu cao lại không hỗ trợ nhu cầu thấp thì kiếp sau ba cái ăn ở mặc sẽ không đủ, sẽ mất như nhu cầu đi bia ôm, bài bạc…Cần lo được các nhu cầu cơ bản cho mọi người thì mình mới làm được các nhu cầu khác cao hơn.
Mục tiêu chúng ta đi tìm hạnh phúc chứ không phải giàu sang. Mục tiêu xây dựng nền kinh tế của một con người, đất nước phải đặt trên nền đạo đức và phước tội.