Cổ nhân có câu: “ Danh chính, ngôn thuận”. Nếu danh bất chính thì ngôn bất thuận, ngôn bất thuận thì danh lợi đều khó đạt. Tên gọi có giá trị riêng của nó. Thời nhà Tống có Tạ Thạch nổi tiếng về đoán cát hung của Họ Tên. Có thuyết cho rằng, Quỷ Cốc Tử tiên sinh đã đổi tên cho Tôn Tẫn trước khi xuống núi lập công danh, nếu không đổi sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Cải vận theo thuyết âm dương ngũ hành thì những cái lớn là Phong thuỷ Nhà cửa, Sinh phần, Mộ phần. Cải vận cho mỗi cá nhân thì dễ hơn, như cải vận theo Kỳ Môn, chọn Sim số và đặt Tên. Tên gọi tuy quan trọng nhưng để đặt được một cái tên đúng là điều không dễ dàng.
Các phương pháp đặt Tên thường là đặt theo chữ Tượng hình và theo Việt danh. Chữ Tượng hình là chữ Thần truyền dạy cho con người, đằng sau mỗi chữ là một bài học triết lý nhân sinh sâu sắc. Có hai cách đặt tên theo chữ Tượng Hình là phương pháp Ngũ cách và Tam cách. Phương pháp Ngũ cách là tìm ra số nét tốt phù hợp với cách cục và Dụng thần Bát tự. Phương pháp này là đếm số nét của tính danh để xác định. Ngũ cách tức là Thiên cách, Địa cách, Nhân cách, Ngoại cách, Tổng cách. Sau đó dùng số nét chữ Hán từ năm cách này đối chiếu với số mà đoán cát hung. Nhưng một con số bất kỳ không nên cố định là cát hay hung, Dịch học quý ở chỗ biến hóa nên phương pháp này đã bị giới Dịch học công nhận là ngụy pháp từ lâu, trừ phi là người không có chút bản lĩnh Dịch học nào nhưng nóng lòng học một loại phương pháp để đặt tên kiếm tiền.
Phương pháp tính theo Tam cách chỉ ra những cái Tên cần tránh chọn cho Tuổi, như người tuổi Tý không nên chọn tên Tuấn hoặc hợp tác với người tên Tuấn vì Tuấn là hoả xung với Tý, không nên dùng bộ thủ là ” Ất” hay “Xích” vì giống Xà, Xà lại ăn chuột. Đây là phương pháp Sinh tiêu khởi danh pháp, không có bất kỳ giá trị gì vì người chính là người, không có liên quan gì tới động vật, Cầm tinh chỉ là một loại dân tục, cũng không có nguyên lý Dịch học nào trong đó. Đây là dạng người thông minh làm ra lý luận đầu cơ trục lợi, có thể mất ít thời gian tinh lực nhất nhưng kiếm được nhiều tiền nhất.
Đặt tên theo chữ Tượng hình là do ảnh hưởng lớn của văn hoá Trung Hoa. Tiếng Việt cũng có quy luật riêng của nó, đặt tên theo Việt danh học chú trọng Tĩnh cục, Động cục và Mệnh cục và so với cách cục tốt xấu nhưng cũng như trên đã phân tích, không có nguyên lý Dịch học nào trong đó.
Chúng tôi đặt tên theo Dịch học, quẻ dịch được lấy theo tên Tiếng Việt và tuân theo quy luật các dấu. Các dấu cũng có ngũ hành riêng của nó như dấu Sắc là kim, dấu Huyền là mộc. Quẻ dịch khi lập xong có thể luận đoán hình dáng, lục thân, Tài Quan vận. Sau này chúng tôi sẽ có ví dụ luận đoán Việt danh học một cách chi tiết để gửi tới bạn đọc. Từ một Họ Tên có thể lập ra các quẻ dịch ảnh hưởng tới mệnh chủ theo từng độ tuổi như yếu tố Đại vận trong môn Bát tự, Lục hào mệnh lý vậy.
Chúng tôi xin dẫn chứng về việc đổi chữ biển chùa Tây Lâm của Thiệu Khang Tiết để bạn đọc tham khảo.
Có lần, Thiệu Khang Tiết nhìn thấy chữ “lâm” trên tấm biển chùa Tây Lâm thiếu hai cái móc. Vì việc đó, ông đã bốc quẻ. Chữ Tây có 7 nét ứng với quẻ Cấn làm quẻ Thượng, lấy 8 nét của chữ “lâm” làm quẻ Hạ, được quẻ Sơn Địa Bác động hào 3 biến thành Thuần Cấn. Hỗ quái là Thuần Khôn. Đoán quẻ nói rằng: “ Chùa là nơi để cho các nhà sư thuộc về thuần dương ở, mà gặp toàn quẻ âm là tượng quần âm tước đoạt dương. Hoạ ốm đau, bệnh tật thuốc thang không khỏi là vì đây”. Liền nói với Hoà thượng trong chùa rằng “tại sao không thêm hai cái móc vào chữ “lâm” thành 10 nét, sẽ trở thành quẻ tốt và thoát tai hoạ người âm”. Các nhà sư cho là phải, bèn thêm hai cái móc tròn vào chữ “lâm”. Từ đó trong chùa bình an vô sự.